Get me outta here!

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

Đại gia bất động sản Mỹ gia nhập thị trường văn phòng chia sẻ Việt Nam

Startup lớn thứ ba của Mỹ - WeWork đã chính thức xác nhận đặt chân vào thị trường Việt Nam. Văn phòng chia sẻ đầu tiên của công ty là một tòa nhà 4 tầng tại E-Town Central quận 4, TP HCM. Tòa nhà có sức chứa 1.000 người làm việc và dự kiến mở cửa vào đầu tháng 12.
 
"Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới và khu vực Đông Nam Á hiện nay, đây thật sự là thời điểm thích hợp nhất cho sự ra mắt của chúng tôi tại thị trường này", ông Turochas "T" Fuad - Giám đốc điều hành , WeWork khu vực Đông Nam Á nhận định.
 
Khác với các đơn vị cho thuê văn phòng truyền thống, WeWork đi theo mô hình văn phòng chia sẻ, linh hoạt khả năng cho thuê, từ chỗ ngồi một người làm việc tự do đến cho thuê phòng làm việc 10 người, 100 người hoặc cả khối nhà. Ông Turochas "T" Fuad nói rằng mọi nhu cầu về quy mô và thời gian thuê đều được đáp ứng. Trong năm 2019, WeWork dự kiến sẽ lần lượt ra mắt các địa điểm khác tại các quận ở TP HCM và Hà Nội.
 
Một không gian văn phòng chia sẻ của WeWork tại Thượng Hải, Trung Quốc
Một không gian văn phòng chia sẻ của WeWork tại Thượng Hải, Trung Quốc.
 
Dịch vụ văn phòng chia sẻ (coworking space) nở rộ tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây với các công ty như Dreamplex, CoGo, Up, Toong, Regus. Trong khi nhiều đối thủ có khách hàng chủ yếu là công ty khởi nghiệp và cá nhân làm việc tự do thì WeWork lại có lợi thế là nhiều công ty quy mô lớn trong nhóm Fortune 500 của Mỹ thuê. Tại Đông Nam Á, 45% khách thuê của công ty là doanh nghiệp trên 1.000 nhân viên.
 
"Ở mỗi thị trường thì chúng tôi đều có đối thủ cạnh tranh nhưng điểm khác biệt của chúng tôi là mạng lưới toàn cầu với 71 thành phố đã hiện diện. Không gian thì ai cũng bắt chước được nhưng cái riêng của chúng tôi là cộng đồng", Turochas "T" Fuad nêu thế mạnh cạnh tranh với một chiếc thẻ thành viên của thể dùng dịch vụ tại bất kỳ chi nhánh nào trên thế giới.
 
Tại Đông Nam Á, WeWork đã có 12 trụ sở với 6.000 thành viên ở Singapore. Từ đây đến cuối năm, công ty sẽ lần lượt tra mắt các thị trường khác với trụ sở mới tại Manila, Bangkok, Jakarta và Kuala Lumpur.
 
Ông Turochas "T" Fuad nói rằng giá thuê mặt bằng ở TP HCM thấp hơn Singapore nhưng đắt hơn các nơi khác trong khu vực. Tuy nhiên, vị CEO WeWork Đông Nam Á nói cùng một diện tích thì công ty có thể tạo ra giá trị doanh thu cao ít nhất 30% so với mô hình cho thuê văn phòng truyền thống.
 
Được thành lập vào năm 2010 bởi Adam Neumann và Miguel McKelvey ở New York, WeWork hiện có hơn 242 không gian làm việc tại 21 quốc gia, với hơn 210.000 thành viên sử dụng dịch vụ. Startup này từng được định giá 20 tỷ USD, là công ty khởi nghiệp lớn thứ ba của Mỹ sau Uber và Airbnb.
 
Dù có thể tác động đến các dịch vụ văn phòng chia sẻ khác, nhưng sự hiện diện của WeWork chưa ảnh hưởng gì đến thị trường cho thuê văn phòng nói chung. CBRE cho biết tốc độ tăng trưởng của dịch vụ văn phòng chia sẻ ở Việt Nam là 58% mỗi năm nhưng quy mô còn rất nhỏ. Dự báo tổng diện tích mặt bằng coworking space cả nước đến cuối năm chỉ vào khoảng 90.000m2 sàn, so với hơn hai triệu m2 sàn toàn thị trường TP HCM và Hà Nội.

Giá thuê văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cao kỷ lục trong vòng 5 năm qua

Jones Lang LaSalle (JLL) vừa công bố báo cáo giá thuê văn phòng cao cấp khu vực châu Á Thái Bình Dương với điểm sáng là sự thăng hạng và tăng giá mạnh mẽ của thị trường TP HCM. Nghiên cứu này tập trung ghi nhận mức giá giao dịch của các tòa nhà văn phòng cho thuê chất lượng tốt nhất trên 61 thành phố tại các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á Thái Bình Dương.

Được xếp vào nhóm thị trường mới nổi, giá thuê gộp văn phòng cao cấp tại TP HCM đạt 635USD một m2 mỗi năm, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước và lọt vào top 20 của các thành phố có giá thuê văn phòng cao nhất châu Á Thái Bình Dương. Cá biệt có tòa nhà thuộc vùng lõi trung tâm Sài Gòn thậm chí còn ghi nhận mức giá thuê kỷ lục, vọt lên 936 USD mỗi m2 một năm. Đây là mức giá lập đỉnh gần nửa thập kỷ qua tại đô thị sôi động bậc nhất Việt Nam.

JLL đánh giá, thị trường văn phòng tại TP HCM đang tăng nhiệt với làn sóng thâm nhập thị trường của nhiều tập đoàn đa quốc gia mặc dù nguồn cung tổng cộng 2 triệu m2 sàn văn phòng, thấp hơn 5 lần so với thị trường Bangkok. Sự thiếu hụt nguồn cung văn phòng chất lượng cao tại Sài Gòn đã không ngừng thúc đẩy giá thuê tăng mạnh.

Các tập đoàn tài chính không ngại chi tiền cho không gian văn phòng cao cấp tại TP HCM. Ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính là những công ty hàng đầu về nhu cầu không gian văn phòng cao cấp trên toàn cầu, là nhóm đứng đầu trong danh sách 72 nhóm khách thuê chủ chốt.
Ngoài điểm sáng là thị trường văn phòng mới nổi TP HCM có tốc độ tăng giá mạnh mẽ, báo cáo này cũng đề cập đến vị thế của nhiều thành phố có giá văn phòng đắt đỏ nhất khu vực.

Giá thuê văn phòng cao cấp tại trung tâm Hong Kong lên đến 3.638USD mỗi m2 một năm, tại phố tài chính Bắc Kinh là 2.034USD mỗi m2 một năm và Phố Đông Thượng Hải là 1.410USD mỗi m2 một năm.

Mức giá cao kỷ lục tại trung tâm Hong Kong là do các tập đoàn Trung Quốc không ngưng săn lùng mặt bằng văn phòng hạng A. Điều này đã khiến nhiều công ty phải chuyển hướng sang những tòa nhà văn phòng giá cả phải chăng nằm ngoài trung tâm.

Giá thuê gộp của khu đông Hong Kong và khu đông Cửu Long thấp hơn Khu trung tâm lần lượt là 64% và 76%. Các công ty tài chính, bảo hiểm, bất động sản và các dịch vụ chuyên nghiệp đang dần chuyển văn phòng sang khu đông Hong Kong, và các ngành này chiếm 37% lượng khách thuê văn phòng. Các công ty công nghệ và luật cũng đang dịch chuyển từ khu trung tâm sang khu đông Hong Kong.

Khu trung tâm Hong Kong hiện có giá thuê văn phòng đắt hơn 60% so với lõi trung tâm của New York. Năm nay là năm thứ tư khu trung tâm Hong Kong tiếp tục là nơi có giá thuê văn phòng cao cấp đắt nhất thế giới, theo báo cáo của JLL. Giá thuê gộp - bao gồm tiền thuê, thuế và phí dịch vụ - cao hơn 60% so với trung tâm New York và gần 75% so với bờ đông London.

Những thị trường lớn tại Trung Quốc bao gồm Hong Kong, Bắc Kinh, Thâm Quyến và Thượng Hải đều thuộc top 10 thị trường văn phòng cao cấp đắt nhất châu Á. Điều này cho thấy việc di chuyển ra ngoài trung tâm đang diễn ra tại nhiều thành phố của Trung Quốc khi các công ty tìm cách tiết kiệm chi phí.

Thị trường văn phòng cho thuê hạng A đầu năm 2019: Hà Nội lập kỷ lục mới, TP. HCM hạ nhiệt

Năm 2018 được đánh giá là một năm thuận lợi đối với thị trường văn phòng Hà Nội khi chỉ có hai dự án mới hoàn thiện trong năm dẫn đến tổng nguồn cung tăng 3% theo năm. Mức độ tăng trưởng này thấp hơn so với tỷ lệ 5% của năm trước. Cả hai dự án mới đều ở phân hạng B và thuộc khu vực văn phòng phía tây.
 
Theo tiêu điểm thị trường bất động sản quý IV/2018 của CBRE, điếm nhấn của thị trường văn phòng Hà Nội năm 2018 là tỷ lệ hấp thụ đạt 100.000 m2, mức cao nhất trong vòng ba năm gần đây. 
 
Tỷ lệ cam kết cho thuê trước khi mở cửa diễn biến khả quan. Ví dụ như tòa văn phòng Detech Tower II đạt 50% cam kết cho thuê trước khi đi vào vận hành chính thức. Do vậy, tỷ lệ trống của cả hạng A và B đều giảm lần lượt 4,6 điểm% và 5,2 điểm % xuống còn 4,3% và 12,2%. Đối với hạng A đây là mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua.
 
thi-truong-van-phong-hang-a-ha-noi-lap-ky-luc-moi-tp-hcm-ha-nhiet
 
Tỷ lệ trống của văn phòng hạng A tại Hà Nội giảm từ 4,6% xuống còn 4,3%, mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Nguồn: CBRE
 
Giá thuê tiếp tục có xu hướng tăng trong năm 2018. Cả hai hạng tăng khoảng 2% theo năm. Kết thúc năm 2018, giá thuê văn phòng hạng A đạt 25,4 USD/m2/tháng trong khi hạng B đạt 13,9 USD/m2/tháng (chưa bao gồm VAT và phí dịch vụ)
 
Về nguồn cầu, không gian làm việc chung đã nổi lên như một nguồn cầu chính. Các khách thuê này chiếm đến 31% các giao dịch cho thuê trên 1.000 m2. Ngoài không gian làm việc chung, tài chính/ngân hàng/bảo hiểm và các công ty công nghệ tiếp tục là các khách thuê tích cực nhất trong việc tìm diện tích thuê văn phòng mới.
 
Trong 2019, giá thuê được CBRE kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng ở cả hạng A và B, đặc biệt là ở hạng A với việc phân khúc này có nguồn cung hoàn thiện tại khu vực trung tâm. Đây sẽ là nguồn cung mới nhất của hạng A sau ba năm không có nguồn cung mới.
 
Về nguồn cầu, ngoài các ngành truyền thống như, ngân hàng/bảo hiểm, sản xuất và công nghệ thông tin, các không gian làm việc chung dự kiến tiếp tục trở thành nguồn cầu chính.
 
Văn phòng hạng A tại TP. HCM tăng tỷ lệ trống do giá thuê cao
 
Trong năm 2018, TP. HCM chỉ tiếp nhận thêm một nguồn cung hạng B duy nhất với tổng diện tích cho thuê ngoài là 3.600 m2. Chính sự khan hiếm nguồn cung trong năm 2018 liên tục làm tăng giá thuê cho cả hai hạng A và B. Giá thuê hạng A trong năm qua được ghi nhận ở mức 43,48 USD và hạng B là 23,42 USD, tăng lần lượt 15,8% và 10,8% so với năm 2017. 
 
Việc tăng giá văn phòng, đặc biệt ở phân khúc hạng A, làm tăng tỷ lệ trống của hạng này lên 5,1% trong quý IV/2018 so với 3,7% trong quý III do các khách thuê trả lại bớt mặt bằng hoặc chuyển sang các văn phòng hạng B hoặc thậm chí là các không gian làm việc linh hoạt để giảm bớt chi phí thuê văn phòng. Vì lý do đó, tỷ lệ trống hạng B ở quý IV/2018 giảm xuống còn 1,8% từ 2% trong qúy trước.
 
Bên cạnh đó, sự nổi lên của các không gian làm việc linh hoạt đang dần thay đổi cơ cấu khách thuê của khối văn phòng truyền thống. Những không gian làm việc linh hoạt đang và sẽ tiếp tục dẫn đầu nguồn cầu thuê văn phòng trong thời gian sắp tới. 
 
thi-truong-van-phong-hang-a-ha-noi-lap-ky-luc-moi-tp-hcm-ha-nhiet-1
 
Tỷ lệ trống tại phân khúc văn phòng hạng B của TP. HCM đang có xu hướng tăng
 
Theo các giao dịch được thu thập bởi CBRE trong năm 2018 thì các giao dịch từ không gian làm việc linh hoạt chiếm tỷ lệ cao nhất với 22% trong tổng số tổng các khách hàng đã giao dịch.
 
Sự gia tăng nhanh chóng của nguồn cung tại thị trường này đã giúp giải quyết được các vấn đề về “nơi làm việc” của rất nhiều công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, người làm nghề tự do hay thậm chí là các công ty lớn và những tập đoàn. 
 
Tính đến năm 2018, tổng nguồn cung theo diện tích sàn của không gian làm việc linh hoạt đã lên đến hơn 37.000 m2, tăng 109% so với năm 2017. Mức tăng trưởng ấn tượng này được góp phần chủ yếu bởi sự mở rộng của các đơn vị vận hành đang hiện hữu như Toong, Up, Dreamplex, Regus, và một công ty mới từ Mỹ gia nhập vào thị trường vào tháng 12 năm qua.
 
Sự bùng nổ mạnh mẽ của không gian làm việc linh hoạt cũng tỷ lệ thuận với tình hình hoạt động của mô hình này. Trong quý IV/2018, tỷ lệ lấp đầy trung bình của không gian làm việc chung tại TP. HCM đạt xấp xỉ 80%, theo một khảo sát của CBRE. Nguồn cung không gian làm việc linh hoạt dự kiến sẽ tiếp tăng lên trong năm 2019.
 
CBRE dự báo trong ba năm tới, với tổng nguồn cung mặt bằng văn phòng cho thuê mới dự kiến lên đến hơn 360.000 m2 từ 15 tòa nhà, thị trường văn phòng sẽ có những bước đi chậm hơn trong việc tăng giá thuê cho cả hai hạng A và B mặc dù giá hạng A vẫn sẽ giữ ở mức cao. 
 
Nếu các chủ nhà hạng A không có sự điều chỉnh hoặc linh hoạt hơn trong giá thuê thì sức hấp thụ của các tòa nhà hạng A trong khu vực trung tâm được dự báo sẽ giảm đi hơn so với các tòa nhà hạng A ngoài khu vực hoặc các tòa nhà hạng B trên thị trường.

Hướng đi mới cho các chủ đầu tư văn phòng cho thuê năm 2019

Không gian làm việc linh hoạt theo định nghĩa của JLL được phân loại thành ba mô hình chính, bao gồm: Văn phòng dịch vụ (không gian có hơn 80% chỗ làm việc trong phòng riêng); Mô hình lai (không gian có hơn 20% chỗ làm việc trong khu vực chia sẻ); Không gian làm việc chung (không gian có hơn 80% chỗ làm việc trong khu vực chia sẻ).
 
Với những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ, môi trường làm việc ngày nay có tính di động cao hơn và chu kỳ kinh doanh ngắn lại. Công nghệ lên ngôi, con người cũng đòi hỏi làm việc với thời gian và không gian tốt hơn, điều này thúc đẩy thị trường văn phòng trở nên sôi động.
 
Tại London, không gian linh hoạt chiếm hơn 3% tổng nguồn cung sàn văn phòng cho thuê và khoảng 20% lượng tiêu thụ vào năm 2017. Thị phần này tại nhiều thành phố châu Âu như Amsterdam, Hamburg và Barcelona ghi nhận được khoảng 5% đến 10%, thể hiện nhu cầu tăng trưởng khá mạnh mẽ.
 
Ở Châu Á, co-working WeWork cũng đang mở rộng dấu chân của họ khắp Trung Quốc và Naked Hub cũng đã khai trương cơ sở đầu tiên tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
 
"Không gian linh hoạt không chỉ đem lại môi trường làm việc năng động cho giới trẻ, mà còn giúp giảm chi phí vận hành văn phòng và nguồn lực. Không gian linh hoạt có giá thuê thấp hơn, nhiều tiện nghi hơn so với văn phòng truyền thống cho các doanh nghiệp trẻ”, Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại Việt Nam của JLL nhận định.
 
Năm ngoái, thị trường bất động sản đón nhận hàng loạt các khoản đầu tư cao cấp vào không gian linh hoạt từ các quỹ đầu tư tư nhân và bất động sản bao gồm Blackstone, Carlyle Group và Softbank, vì có khá nhiều tập đoàn khổng lồ hứng thú với mô hình co-working và không gian mở.
 
Điển hình là Microsoft, tập đoàn này đã đưa 300 nhân viên (70% trong số đó là đội ngũ tiếp thị và bán hàng) đến làm việc tại hai không gian co-working bên ngoài.
 
Đối với giới đầu tư, sự thay đổi này đang ảnh hưởng đáng kể đến văn phòng truyền thống. Olivier Elamine, CEO Quỹ đầu tư tín thác (REIT) Alstria cho biết: "Đây là một sự thay đổi to lớn đối với một ngành công nghiệp đã quen với dòng tiền dài hạn nhờ vào hợp đồng thuê lâu dài.
 
Theo nhận định của JLL, với những thay đổi này, nhà đầu tư sẽ phải nhìn vào triển vọng của các mô hình ngắn hạn này và xây dựng chiến lược cho tương lai để không bị thất thoát lợi nhuận và tránh lạc hậu.
 
Alex Colpaert, Trưởng phòng nghiên cứu văn phòng tại EMEA của JLL cho rằng, linh hoạt là yếu tố ‘phải có’ cho không gian làm việc ngày nay, nhà đầu tư phải áp dụng lên tài sản của họ nhằm bắt kịp với làn sóng mới để tạo ra lợi nhuận tốt hơn.
 
Việc cho thuê kết hợp cũng là ý tưởng hay cho một tòa nhà; những khu vực chung ít sử dụng như hành lang cũng có thể trở thành co-working cho khách thuê.
 
Colpaert cho biết: "Thông thường, với diện tích văn phòng 500m2 thì không dễ để thực hiện giao dịch truyền thống, vì vậy, chủ nhà nên mở rộng đầu tư nhiều mô hình hơn, lợi nhuận nhanh và dễ dàng cho thuê với hợp đồng ngắn hạn từ 1 đến 24 tháng.
 
REIT NSI của Hà Lan đã thiết lập HNK (Het Nieuwe Kantoor) tại 13 tòa nhà khác nhau ở quốc gia này. Ngoài hình thức thuê tháng và năm, tại đây còn cho thuê theo giờ đối với chỗ ngồi làm việc, phòng họp và không gian sự kiện, phục vụ đầy đủ các dịch vụ dành cho văn phòng.
 
Những tài sản siêu năng động này thường rất linh hoạt, được thiết kế và xây dựng phù hợp với sự biến động trong kinh doanh. Mức độ hài lòng và hiệu suất làm việc của nhân viên cũng như các vấn đề sức khỏe giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài.
 
Không gian hiện đại tập trung vào sức khỏe và phúc lợi, xây dựng cộng đồng, và tạo nên một trải nghiệm độc đáo có sức ảnh hưởng lớn nhất đến việc giữ chân và thu hút người tài.
 
Đối với các nhà đầu tư, những thước đo truyền thống cho sự thành công như lợi nhuận, thu nhập và tiết kiệm chi phí sẽ không còn phù hợp cho chiến lược kinh doanh nữa.
 
Thay vào đó, văn phòng tương lai là nơi đáp ứng được nhu cầu kết hợp giữa cuộc sống, vui chơi và làm việc, đây là những điều cần thiết nhất mà các nhà đầu tư nên cân nhắc theo.
 
Cũng giống như vậy chỉ trong 10 năm qua, tính bền vững từ một yếu tố "tốt-để-có" trở thành "bắt buộc", trải nghiệm của con người không chỉ là xu thế mà đó là yếu tố các nhà đầu tư cần phải có để thích ứng và tồn tại với những thay đổi này, Hensby cảnh báo.

Thị trường văn phòng cho thuê TP HCM, đằng sau những con số màu hồng

Những con số màu hồng

Theo số liệu từ Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL), trong quý III/2018, thị trường văn phòng cho thuê TP HCM chào đón 1 tòa nhà hạng B (Thaco Complex) đi vào hoạt động, khiến tổng nguồn cung văn phòng hạng A và hạng B tăng 1,3% so với quý trước đó.
 
Thị trường ghi nhận khoảng 14.500 m2 sàn văn phòng hạng B được thuê mới, trong đó khoảng 9.500 m2 sàn được sử dụng bởi chủ tòa nhà. Tính đến cuối quý III/2018, tỷ lệ lấp đầy toàn thị trường tiếp tục đà cải thiện và đạt mức cao trên 95%. Tỷ lệ lấp đầy của phân khúc hạng A và hạng B tiếp tục tăng nhờ nguồn cầu khả quan trên thị trường. Kéo theo đó, giá thuê trung bình hạng A và hạng B cũng tiếp tục có xu hướng tăng.
 
Cụ thể, giá thuê gộp trung bình của những tòa nhà tại khu vực trung tâm vào khoảng 75 - 80 USD/m2/tháng, còn tại khu vực ngoài trung tâm là 35 - 40 USD/m2/tháng. Các dự án tương lai trong năm 2019 đã bắt đầu chiến lược chào thuê sớm với mức giá chào thuê cao hơn mức bình quân toàn thị trường nhờ chất lượng tòa nhà tốt và tình hình thị trường thuận lợi.
 
Cũng theo đơn vị này, nguồn cung hạng A và hạng B dự kiến sẽ tiếp tục khan hiếm đến hết năm 2018. Đến năm 2020, các tòa nhà hạng B chất lượng cao sẽ hoàn thành và tạo áp lực lên các tòa nhà hạng A. Nguồn cung hạn chế, nhu cầu trên thị trường cao và yếu tố chất lượng cao của các dự án sắp hoàn thành sẽ thúc đẩy xu hướng giá thuê tăng trong tương lai. Các công ty công nghệ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong nhu cầu văn phòng trên thị trường.
 
Còn theo CBRE, trong quý III/2018, TP HCM không có nguồn cung van phong cho thue mới nào và dự kiến trong quý IV/2018 sẽ có 2 tòa nhà mới gia nhập thị trường với tổng diện tích sàn sử dụng (NLA) lên tới hơn 12.000 m2. Cả hai tòa nhà đều là hạng B và là các tòa nhà có diện tích được chủ đầu tư sử dụng và có một phần cho thuê ngoài.
 
Theo CBRE, trong quý III/2018, giá thuê hạng A và B lần lượt đạt 42,87 USD/m2/tháng và 23,07 USD/m2/tháng. Hạng A ghi nhận mức tăng giá thuê nhẹ 0,8% so với quý trước do hai tòa nhà với mức giá cao nhất thị trường giảm nhẹ giá chào thuê nhằm lấp đầy phần diện tích trống còn lại, trong khi một số tòa nhà hạng A khác lại tăng giá do không còn diện tích trống.
 
Phân khúc hạng B ghi nhận mức tăng giá khả quan hơn với 2,8% so với quý trước do khan hiếm nguồn cung khắp thành phố, dẫn đến một số tòa nhà khi có diện tích cho thuê liền tăng giá thuê. Cả hai hạng A và B đều ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 16,7% và 11,6%.
 
Tỷ lệ trống của cả hạng A và B lần lượt là 3,7% và 2,0%, đồng loạt giảm 0,9 điểm phần trăm so với quý trước. Diện tích được thuê mới trong quý III của văn phòng hạng A giảm so với quý trước do diện tích trống ngày càng khan hiếm, trong khi diện tích được thuê mới của hạng B lại tăng lên, chủ yếu do 1 dự án tại quận 10 sau khi tăng diện tích cho thuê ngoài từ quý trước đến nay đã được hấp thụ hết.
 
Tương tự, Savills Việt Nam cũng nhận định rằng, tình hình hoạt động của thị trường văn phòng cho thuê TP HCM tiếp tục được cải thiện, giá thuê tăng 3% theo quý và 7% theo năm. Tăng trưởng về giá thuê tăng đều ở tất cả các hạng, đặc biệt ở hạng A. Công suất trung bình đạt 97%, tăng 1 điểm phần trăm theo quý. Với tỷ lệ sàn trống thấp và thiếu hụt về nguồn cung mới trong các quý tới, phân khúc này dự kiến tiếp tục hoạt động tốt.
 

Thực tế khác xa

Qua số liệu từ các đơn vị nghiên cứu trên có thể thấy, phân khúc văn phòng cho thuê hiện đang giữ mức hấp thụ khá tốt, tỷ lệ trống giảm và trong thời gian tới, giá thuê sẽ tăng cao. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, trên thực tế, để tìm một mặt bằng tại khu vực trung tâm trong thời điểm hiện tại không phải việc quá khó khăn.
 
Khảo sát qua những tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai (phường 5, quận 3), Võ Văn Tần (phường 6, quận 3), Điện Biên Phủ (phường 7, quận 3), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1), Trần Hưng Đạo (quận 1)... không khó để bắt gặp những biển quảng cáo cho thuê văn phòng được treo bên ngoài các tòa nhà.
 
Cụ thể, Tòa nhà Itaxa House tọa lạc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) đang trào thuê một mặt bằng tại tầng 9, diện tích khoảng 60 m2 với giá 23 USD/m2/tháng (chưa có phí dịch vụ và VAT).
 
Còn tại Tòa nhà GIC Building trên đường Điện Biên Phủ (quận 1) hiện cũng đang chào thuê 50 m2 tại tầng lửng với giá 19,8 USD/m2/tháng (đã bao gồm phí quản lý và VAT)...
 
Tiếp tục tìm hiểu tại một số khu vực nằm ngoài khu vực trung tâm, những tòa nhà trên địa bàn quận Phú Nhuận có giá mềm hơn, nhưng tỷ lệ trống vẫn còn nhiều.
 
Đơn cử, tại Tòa nhà Lucky House Building, nằm trên mặt tiền đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận. Với kết cấu 6 tầng và tổng diện tích sử dụng 910 m2, nhưng hiện tại, tòa nhà này vẫn còn trống hơn 140 m2 tại lầu 6 và 67 m2 tại lầu 1, giá thuê của 67 m2 tại lầu 1 là 16 USD/m2/tháng.
 
Trước thông tin số lượng doanh nghiệp được thành lập mới trong 9 tháng năm 2018 tăng mạnh, sẽ góp phần lấp đầy khoảng trống tại các tòa nhà văn phòng, nhưng trên thực tế, do đặc thù kinh doanh của từng ngành nghề, nên những khoảng trống này chưa thể lấp đầy.
 
Theo báo cáo của UBND TP HCM, tính chung 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn Thành phố có 30.634 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 372.432 tỷ đồng, tăng 4,1% về số doanh nghiệp và tăng 95,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
 
Theo lĩnh vực hoạt động, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung nhiều nhất ở các ngành như bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; khoa học công nghệ; dịch vụ tư vấn; thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác; công nghiệp chế biến, chế tạo... Tuy nhiên, xét về vốn đăng ký, thì hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 47%.
 
Lý giải về việc doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh nhưng tỷ lệ trống tại các tòa nhà văn phòng vẫn còn, bà Trần Mỹ Linh, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đức Linh cho biết, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng do đặc thù, nhiều ngành nghề không có nhu cầu về mở văn phòng tại các tòa nhà, một số ngành nghề đặc thù như bất động sản lại cần sự linh hoạt và tự do.
 
Phân tích thêm về vấn đề này, đại diện Công ty Đức Linh chia sẻ, đặc điểm của ngành nghề kinh doanh bất động sản, nhất là các doanh nghiệp môi giới là thời gian phải chủ động, có thể làm việc bất cứ lúc nào kể cả ngày nghỉ hay ngày lễ. Do vậy, những công ty môi giới sẽ tìm thuê một nhà nguyên căn để làm văn phòng, chứ không chọn những tòa nhà văn phòng xây sẵn với những quy định khắt khe.
 
Bên cạnh đó, với những ngành nghề khác thì không gian linh hoạt và văn phòng chia sẻ hiện đang dần thay thế mô hình văn phòng truyền thống.
 
Ông Lars Wittig, Tổng giám đốc Regus phụ trách thị trường Philippines, Việt Nam và Campuchia chia sẻ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vốn đứng trước nhiều thách thức về tiếp cận nguồn vốn, năng suất doanh nghiệp..., nên những giải pháp văn phòng linh hoạt, giúp doanh nghiệp mở rộng hoặc thu hẹp tùy theo tình hình kinh doanh, hoặc các yếu tố thị trường đang dần được ưa chuộng hơn.

CBRE dự báo thị trường văn phòng cho thuê tại HCM và HN cuối năm 2018 và đầu năm 2019

Giá cho thuê văn phòng hạng A tại thành phố Hồ Chí Minh giảm 2,2% do sự cạnh tranh mạnh mẽ của phân cấp văn phòng cho thuê hạng B. Mức giá cho thuê trung bình hiện nay ở phân cấp văn phòng cho thuê hạng A là 36,7USD/m2.
 
Trong khi đó, mức giá cho thuê văn phòng hạng A tại Hà Nội lại tăng trưởng vững chắc 1,9%, trung bình khoảng 40,4USD/m2. Giá cho thuê văn phòng hạng B tại thị trường này trong quý III cũng tăng mạnh 6,7% lên 28,2USD/m2.
 
Sự phục hồi của nền kinh tế, niềm tin ngày càng lớn trên thị trường và nguồn cung mặt bằng dồi dào với giá cả hợp lý là tiền đề vững chắc cho sự tăng trưởng nhu cầu hàng quý trong năm nay. Điều này phản ánh sự ổn định về cung – cầu trên thị trường trong ngắn hạn.
 
Tính chung thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hiện có khoảng hơn 6.510m2 văn phòng hạng A đang được cho thuê sử dụng. Trong đó, nguồn cung tại các tòa cao ốc, Diamond Plaza, Kumho Asiana Plaza và Centec Tower chiếm phần lớn thị phần của thị trường Hồ Chí Minh. Diamond Plaza là tòa nhà duy nhất không còn diện tích cho thuê trống trên tổng số 8 cao ốc hạng A hiện nay của thị trường thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian CBRE thực hiện khảo sát quý III này.
 
Không có nguồn cung mới trên thị trường trong quý này, tỷ lệ văn phòng hạng A đang trống tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh giảm nhẹ xuống 29,7% so với mức 31,9% trong quý trước. Tổng diện tích còn trống hiện nay là hơn 46.500 m2, chủ yếu tọa lạc ở Vincom Center do tòa nhà này mới được hoàn thành trong quý II.
 
Tại thị trường Hà Nội, hai cao ốc là BIDV Tower hạng A và Capital Tower hạng B cũng được hoàn toàn đưa vào sử dụng. Vì nguồn cung tại các quận thương mại trung tâm hạn chế, thị trường cho thuê văn phòng tại Hà Nội không có biến động lớn. Do đó, tỷ lệ văn phòng cho thuê còn trống ở cả phai phân khúc hạng A và B đều giảm 1,9% và 6% xuống 5,6% và 12,2% tương ứng. Tuy nhiên, sự sụt giảm này chỉ mang tính chất ngắn hạn do một số dự án mới dự kiến sẽ hoàn thiện trong quý IV, tung ra thị trường khoảng 51.150m2 sàn mới.
 
Cũng theo CBRE, tại thị trường Hồ Chí Minh, phân khúc văn phòng hạng B và C vẫn được giao dịch sôi động với khoảng 23.800m2 sàn được đưa ra thị trường. Tổng diện tích sàn đang được sử dụng đối với văn phòng cho thuê hạng B và C hiện lên tới hơn 38.000m2, phản ánh nhu cầu mạnh của thị trường đối với hai phân khúc này.
 
CBRE nhận định thị trường Hà Nội trong quý IV và những tháng đầu năm 2011 sẽ tiếp nhận thêm một số dự án đầu tư văn phòng hạng A tại khu vực các quận thương mại trung tâm và các quận phía Tây, cung cấp khoảng 214.000m2 sàn cho thị trường. Mặc dù khu vực các quận thương mại trung tâm vẫn có sức hút đặc biệt đối với các công ty dịch vụ quốc tế, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và công ty tầm trung của Việt Nam sẽ tập trung hơn vào khu vực vùng ven.
 
Sự hoàn thiện của các dự án phía Tây cũng có thể thúc đẩy các đơn vị thuê văn phòng tiến về phía Tây do khu vực này đưa ra nhiều phương án cho thuê, diện tích mặt bằng rộng hơn và cơ sở hạ tầng tốt hơn. Nhu cầu từ các công ty bảo hiểm, năng lượng, thông tin liên lạc và các ngân hàng được dự báo sẽ đóng góp vào tăng trưởng của phân khúc thị trường văn phòng hạng B tại các khu vực ven trung tâm.
 
Thị trường văn phòng cho thuê của thành phố Hồ Chí Minh được CBRE dự báo sẽ có tổng diện tích cho thuê đưa vào sử dụng khoảng 251.100m2 trong năm 2010 và sẽ tiếp tục xu hướng phát triển tích cực trong ba năm tới. Tuy nhiên, giá cho thuê văn phòng trung bình ở tất cả các phân khúc được cho rằng sẽ không biến động hoặc sẽ giảm trong ngắn hạn dù nhu cầu tăng do cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Thị trường văn phòng cho thuê tại thành phố Hồ Chí Minh nóng nhất 5 năm

Savills Việt Nam vừa công bố Chỉ số giá Bất động sản (Savills Property Price Index) TP HCM với nhiều đánh giá tích cực về thị trường văn phòng.
 
Trong quý III/2018, chỉ số văn phòng đạt 99 điểm, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, tăng 4 điểm theo quý và 9 điểm theo năm. Sự cải thiện này đến từ việc giá thuê và công suất toàn thị trường đều có sự tăng trưởng theo quý. Khu vực ngoài trung tâm có công suất cho thuê cao, đạt 98%, tăng 2 điểm phần trăm theo quý và 4 điểm phần trăm theo năm.
 
Chỉ số của khu vực ngoài trung tâm đạt 105 điểm, tăng 4 điểm theo quý và 10 điểm theo năm. Công suất ổn định nhưng giá thuê tăng 3% theo quý đã làm chỉ số tại khu vực trung tâm tăng lên 102 điểm, tăng 3 điểm theo quý và 9 điểm theo năm. Tổng lượng hấp thụ văn phòng cho thuê thụ đạt trên 24.800 m2, nguồn cung mới hạn chế cũng như số lượng diện tích trống rất thấp.
 
Thị trường văn phòng cho thuê tại thành phố Hồ Chí Minh nóng nhất 5 năm
Thị trường văn phòng cho thuê tại thành phố Hồ Chí Minh nóng nhất 5 năm

 
Trong khi đó, Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cũng công bố báo thị trường văn phòng tại TP HCM quý III/2018 với đà tăng giá thuê tiếp tục nối dài. Nguồn cung văn phòng không đủ đáp ứng nhu cầu là nguyên nhân khiến cho giá thuê ngày càng đắt đỏ.
 
Giá thuê gộp trung bình của các tháp văn phòng hạng A vào khoảng 50 USD mỗi m2 một tháng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá thuê gộp cao nhất của các tòa tháp có vị trí đắc địa trên đất vàng ghi nhận vọt lên đến 70 USD mỗi m2 một tháng. Đây là mức giá thuê cao kỷ lục trong gần nửa thập niên trở lại đây.
 
JLL cho hay, tính đến quý III/2018 toàn thị trường văn phòng cho thuê TP HCM xấp xỉ 2 triệu m2 sàn nhưng hạng A chỉ có 250.000 m2, hạng B có 900.000 m2 sàn và hạng C nguồn cung vào khoảng 810.000 m2. Với tình trạng khan hiếm nguồn cung văn phòng hạng A tại khu vực lõi trung tâm Sài Gòn, các chủ tòa nhà đang nắm thế thượng phong. Những khách thuê khó tính thuộc nhóm ngành công nghệ cực kỳ ưa chuộng các mặt bằng hạng A buộc phải xếp hàng để tranh suất thuê.

Friendship Tower - Dự án văn phòng hạng A mới trên “khu đất vàng” đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM

Đại lộ Lê Duẩn, khu vực này không chỉ được biết đến với vị thế là con đường hành chính của trung tâm quận 1, mà còn là nơi tập trung những cao ốc cho thuê văn phòng hạng A hiện đại, mang đến diện mạo mới cho thành phố trong thời kỳ hội nhập.
 
Với vị trí chiến lược tại số 31 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM dự án Friendship Tower đang trở thành tâm điểm chú ý của cả giới chuyên môn cũng như các nhà đầu tư. Tái thiết từ tòa nhà Hữu Nghị, Friendship Tower được chủ đầu tư CZ Slovakia kỳ vọng mang đến làn gió mới cho thị trường văn phòng hạng A tại trung tâm thành phố. 
 
Bên cạnh thiết kế kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến trúc truyền thống phương Tây và phương Đông mang đến không gian làm việc sáng tạo, sự đầu tư chú trọng ưu tiên về chất lượng xây dựng, trang thiết bị cao cấp, tiết kiệm năng lượng cùng hệ thống quản lý thông minh hiện đại cũng giúp tòa nhà đạt chuẩn hiện đại và đẳng cấp.
 
Dự án tòa nhà văn phòng hạng A Friendship Tower tại 31 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM dự kiến ra mắt đầu năm 2020
Dự án tòa nhà văn phòng hạng A Friendship Tower tại 31 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM dự kiến ra mắt đầu năm 2020.
 
Dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2020, văn phòng hạng A Friendship Tower 21 tầng sở hữu diện tích sàn khoảng 19.000m2, bao bọc các bởi các công trình nổi tiếng của thành phố vàlà nơi tọa lạc của các đại diện ngoại giao đến từ châu Âu và châu Mỹ tiêu biểu như Lãnh sự quán Mỹ và Đức…
 
Cũng như cái tên tòa nhà Hữu Nghị - Friendship Tower – dự án là một trong những biểu trưng đặc sắc cho tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Slovakia trong giai đoạn hiện nay.
 
Bà Từ Thị Hồng An – Phó Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại Savills TP.HCM nhận định: “Đây là dự án được thiết kế rất tương thích với quy hoạch chung và hạ tầng cơ sở của quận trung tâm khi chỉ sở hữu 21 tầng, phù hợp với cảnh quan đô thị và khu trung tâm cũ xung quanh quận 1. Bên cạnh lý do khan hiếm nguồn cung, văn phòng hạng A trên địa bàn thành phố hiện được các doanh nghiệp “săn đón” bởi những giá trị về mặt vị trí cũng như chất lượng xây dựng, thiết kế thông minh, dịch vụ tiện ích đẳng cấp dành cho khách thuê”.
 
Theo đại diện từ CZ Slovakia, bên cạnh việc cung cấp một môi trường làm việc linh hoạt, sự chọn lọc kỹ lưỡng về chất liệu thân thiện với môi trường và công nghệ hiện đại cũng được áp dụng cho công trình, nhằm hoàn thiện mục tiêu trở thành tòa nhà “xanh” với tiêu chuẩn LEED. Sự hòa trộn giữa những tiêu chuẩn đương đại và chất lượng hoàn thiện vượt trội, tòa nhà được kỳ vọng sẽ đáp ứng tất cả những tiêu chí để trở thành dự án hạng A kiểu mẫu. 
 
 Phối cảnh Friendship Tower
 Phối cảnh Friendship Tower
 
Bà An cũng cho biết, sau khi đạt mức tăng trưởng hơn 7% vào năm 2017, thị trường văn phòng Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững mức phát triển vào năm 2018 và được kỳ vọng vào sự bứt phá kỉ lục trong năm 2019 cũng như thời gian tới. 
 
Theo báo cáo từ Savills Việt Nam, nguồn vốn FDI ồ ạt chảy vào Việt Nam, nhiều hiệp định thương mại được ký kết, các cơ hội hội nhập đầy hứa hẹn và việc bùng nổ của ngành du lịch Việt Nam… đã khiến số lượng văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài và người nước ngoài đến Việt Nam làm việc tăng, góp phần thúc đẩy nhu cầu thuê văn phòng ngày càng lớn. 
 
Ngoài ra, sự phát triển kinh tế cũng khiến những doanh nghiệp nội địa mạnh dạn hơn trong việc đầu tư hình ảnh, tạo nên vị thế cân bằng trong cuộc đua tìm chỗ thuê văn phòng hạng A trong thời gian qua.
 
Báo cáo từ Savills cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ văn phòng hạng A còn trống tại TP.HCM, tập trung tại các tuyến đường trung tâm đang ở mức cực thấp. 
 
“Thị trường vẫn đang tiếp tục hấp thụ phần diện tích lẻ còn lại và đây cũng tạo ra tính cạnh tranh lớn cho những tòa nhà văn phòng mới như Friendship Tower, nhất là khi dự án này có tiến độ bàn giao khá sớm vào khoảng đầu năm 2020 – năm chuyển giao và đánh dấu nhiều sự kiện kinh tế trọng điểm của Việt Nam”, bà An kết luận.